Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Chu Công Cẩn: Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng


Nhân một bài đọc tìm được nên góp nhặt lại cho các bạn cùng xem. Con người của Chu Công Cẩn là một hoài cổ ngàn đời đáng thưởng thức.

Mở đầu cho cuộc đàm đạo về Chu Du, tôi lại muốn cùng mọi người đọc lại bài thơ Xích Bích hoài cổ” của Đỗ Mục vịnh về bãi sông Xích Bích, nơi diễn ra trận chiến Xích Bích nổi tiếng trong lịch sử, trận chiến đã đưa hai nhân vật Chu Du và Gia Cát Lượng bước vào trận chiến thật sự để tranh đoạt thế “Thiên hạ tam phân”: 

Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu, 
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều.
Đông phong bất dữ Chu Lang tiện,
Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.
Dịch thơ là:
Dưới cát gươm chìm sắt chửa tiêu
Mài rũa lắng nghe việc tiền triều
Gió đông nếu chẳng vì Công Cẩn
Đồng Tước đêm xuân khóa hai Kiều

Vâng, đúng là “Gió đông nếu chẳng vì Công Cẩn“, thì chẳng biết liên minh Tôn – Lưu có chống nổi 83 vạn tào binh hùng mạnh hay không, và chẳng biết Chu Công Cẩn có còn giữ nổi vị trí để tạo ra những cuộc tranh đoạt đầy thú vị với Ngọa Long cho hậu thế chúng ta cùng ngồi tán thưởng nữa hay không?

Chu Du tên chữ là Công Cẩn, vốn là anh em kết nghĩa với Tôn Sách (Tôn Bá Phù). Trời cho cái duyên cho 2 anh em kết nghĩa ấy lấy được 2 cô hoa hậu xứ Giang Đông thời đó là Đại Kiều (Tôn Sách) và Tiểu Kiều (Chu Du) con của Kiều Quốc Lão. Du vốn là người tài hoa, văn võ song toàn. Là một đại tướng nhưng Chu Du say mê âm nhạc. Có lần, Chu Du mời một kĩ nữ đàn tranh nổi tiếng đến biểu diễn. Kĩ nữ rất vui mừng, hồi hộp được mời, được phục vụ bậc anh hùng nổi tiếng nhất xứ Đông Ngô. Khi cô đàn, Chu lặng nghe, nhắm nghiền mắt. Nhưng cô lại muốn Chu vừa nghe đàn vừa nhìn ngắm sắc đẹp của cô. Cô nghĩ ra mẹo: gẩy sai một nốt nhạc, thế là Chu Du bừng mắt, cau mặt nhìn kĩ nữ như oán trách. Cô rất thích thú, lại gảy tiếp thật hay. Thi thoảng cô lại dùng mẹo ấy. Ai giỏi nhạc hơn ai, kĩ nữ hay Chu Công Cẩn? Cuộc gặp gỡ giữa một nhà nghệ sĩ biểu diễn và một nhà phê bình âm nhạc. Mỗi người đều có năng lực âm nhạc khác nhau. Và bài thơ của nhà thơ đời Đường Lĩ Đoan chính là miêu tả câu chuyện này:

Minh tranh kim túc trụ
Tố thủ ngọc phòng tiền
Dục đắc Chu lang cố
Thời thời ngộ phất huyền
(Minh Tranh, Lý Đoan)
Tác giả Phùng Hoài Ngọc dịch là:
Đàn minh tranh phím trụ vàng,
Bàn tay trắng đẹp của nàng trên dây
Muốn chàng quay mặt nhìn đây
Bồn chồn thi thoảng gẩy sai cung đàn.

Một vị tướng tài năng lại có tâm hồn nghệ sĩ như vậy, ắt không thể là người có bụng dạ hẹp hòi như thiên hạ vẫn lầm tưởng rằng Du vẫn ghanh ghét tài năng với Ngọa Long Gia Cát, tôi tin là như vậy!
Chu Du vì hận Tào Tháo có ý lăm le đoạt nàng Kiều của mình, quyết tâm đem tướng sĩ Đông Ngô một phen, đó là cái ý mà người thường dễ nhận ra, nhưng thực ra, Du hiểu rằng cuộc chiến với Tào Tháo là tất yếu nếu muốn giữ cơ nghiệp của Giang Đông. Bởi lẽ, với lũ mưu sĩ quan văn hèn nhát, hàng Tào Tháo thì sẽ có lợi cho họ, nhưng với những người có chí khí thuộc tầng lớp thân tộc họ Tôn nếu đầu hàng Tào Tháo tất sẽ bị giết để tránh mầm họa, đó là nguyên nhân sâu xa khiến Du cùng Tôn Quyền quyết tâm liên minh với Lưu Bị đánh Tào.
Một mẹo tương kế tựu kế của Du lừa Tưởng Cán khiến cho Tháo lập tức chém 2 tướng tài Sái Mạo và Trương Doãn (hai hàng tướng thủy quân của Kinh Châu), rồi dùng “Khổ nhục kế” sai Hoàng Cái trá hàng Tào… đủ thấy tài năng của Du rồi, chẳng cần bàn nhiều nữa!
Một người hết lòng vì chủ như Du, tất nhìn thấy cái mầm họa Ngọa Long – Lưu Bị, một con rồng đang nằm ngủ, nay thức giấc được đất Kinh Châu, được minh chủ biết sử dụng như Lưu Hoàng thúc, có lẽ gì chẳng dựng lên nghiệp lớn, đe dọa cơ nghiệp của Giang Đông. Chính vì thế, Du chẳng ngại ngần gì việc cắt cái mầm họa Lưu Bị – Gia Cát, đừng nên gán cho vị tướng quân này cái mác ghanh ghét nhân tài. Nếu Du ganh ghét, chắc chắn đã không cho Gia Cát Cẩn đi thuyết phục Gia Cát Lượng về phục vụ cho Tôn Quyền, chỉ trách rằng Gia Cát Cẩn tài năng chỉ bằng một góc em mình, không những chẳng hoàn thành việc được giao, trái lại còn thành trạng thái tạm gọi là “nhục mệnh vua“. Có lẽ đây là một bằng chứng duy nhất cho thấy Công Cẩn chẳng hề ganh ghét với Ngọa Long chút nào. Nhưng ta luôn thấy Công Cẩn thực sự biết tài mình còn thua xa Ngọa Long và thực sự thán phục Ngọa Long sau khi liên tiếp thất bại trong các cuộc đấu trí và đã bao lần than rằng:

- Gia Cát Lượng thật là thần cơ diệu toán, ta thật không bằng! (Hồi 46, Gia Cát Lượng nhân sương mù lấy tên của Tào Tháo)
Núi Xích Bích - Nơi diễn ra trận Xích Bích
Bi kịch của việc ngàn năm chẳng thanh minh được với hậu thế của Công Cẩn đơn giản từ một điều “Khổng Minh quá tài năng, lại chẳng bỏ Lưu về với Tôn, sẽ là đe dọa cho Tôn” mà thôi. Cái bi kịch ấy được đẩy lên đỉnh điểm với việc Ngọa Long “cầu” được gió đông, giúp cho Công Cẩn đang nằm bệnh vì lo gió đông bỗng chốc choàng dậy điều binh khiển tướng đánh bại Tào trong trận Xích Bích, đưa Du lên hàng ngũ những chiến tướng vĩ đại nhất thời Tam Quốc:

Muốn đánh giặc Tào
Phải dùng hỏa công
Muôn việc đủ cả
Chỉ thiếu gió đông
(Hồi 49)

Và Chu Du nghĩ rằng:

“Người này có phép đoạt được trời đất, hơn cả quỷ thần, nếu không trừ khử đi sau này tất nhiên gây hại cho Đông Ngô ta…” (Hồi 49)

Và sau đó, Chu Du đau lòng nhìn tập đoàn Lưu Bị chẳng tốn một tên quân, một mũi tên hòn đạn đoạt Kinh Châu ngay trước mắt mình, củng cố thế lực vững chắc, trong khi mà quân sĩ của Du hi sinh cả ngàn người, bản thân Du cũng bị trúng tên của Tào Nhân, và đây là một điểm báo cho chết của Du, chết một cách uất ức sau khi liên tiếp thất bại trong những cuộc đấu trí khác, nào là Chu Du bị vây khốn ở Kinh Châu khi định dùng kế “mượn đường giệt Quắc” giả đi đánh Tây Thục để cướp Kinh Châu, rồi định dùng em gái Tôn Quyền để nhử Lưu Bị hòng đánh đổi Kinh Châu nhưng đều bị Khổng Minh tương kế tự kế phá hỏng, đến nối mà:

“Chu Du kế giỏi yên thiên hạ
Đã mất phu nhân lại thiệt quân” (Hồi 55)

Câu thơ của Khổng Minh sai quân sĩ đọc nhân việc Lưu Bị ung dung cắp cô em gái xinh như mộng của Tôn Quyền về Kinh Châu trong sự căm tức của Chu Du làm cho mâu thuẫn giữa hai người đẩy lên đỉnh điểm, và sau đó là cái chết của Chu Du. Ai cũng nghĩ Chu Du chết một cách tức tưởi, nhưng thực ra ông chết cũng vì hết lòng lo cho Đông Ngô bởi thế lực của Lưu Huyền Đức ngày một mạnh, đang đe dọa vị trí của Đông Ngô. Và lời than vãn cuối cùng của Chu Du đã trở thành nổi tiếng ngàn năm:

“Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng”

Nó cũng khiến cho chúng ta vẫn nghĩ rằng Công Cẩn vì ganh ghét với Khổng Minh mà chết. Mong mọi người hãy rộng lượng với Chu Du, ông ta không phải con người như vậy đâu, tôi tin như thế. Chu Du hết lòng lo lắng cho vận mệnh của Đông Ngô đến nối chết lúc còn khá trẻ (ông chết khi chỉ có 36 tuổi), hình như đó cũng là số mệnh của những vị tướng Đông Ngô luôn yểu mệnh: Tôn Kiên, Tôn Sách, Chu Du, Lã Mông, Lục Tốn…
Xin thưa với mọi người, chẳng phải Gia Cát Lượng là người gây ra cái chết của Chu Du đâu, nếu có chăng, thì đó chính là chủ của ông ta: Tôn Quyền. Lòng tham của Tôn Trọng Mưu thật quá đáng, ông ta làm chủ một vùng Giang Đông rộng lớn, giàu có, lại có Trường Giang hiểm trở làm bình phong, lại vẫn cố tham một mảnh đất Kinh Châu mà ai cũng muốn tranh đoạt. Cái lòng tham ấy đã khiến cho Chu Du phải tận lực, quyết giành lại để vừa lòng chủ. Nếu Tôn Quyền không quá tham lam quyết giành bằng được Kinh Châu, chắc hẳn Chu Du không bị chết sớm một cách tức tưởi như vậy. Có thể nói, Du giống Lượng ở chỗ, cả hai đều hết lòng vì chủ, chết khi mà tận sức mình vì chủ.
Hồi nhỏ, khi tôi mới đọc Tam Quốc, cũng từng nghĩ rằng Chu Du thật nhỏ nhen, ghen ghét với Gia Cát để rồi chết uất ức, nhưng rồi càng đọc tôi càng hiểu rằng, mình nghĩ về Chu Du như thế thì cũng thật nhỏ nhen, hãy rộng lượng một chút với Công Cẩn. Bản thân Gia Cát từng bao lần chết hụt vẫn một lòng rộng lượng với Công Cẩn cơ mà:

Thương ôi Công Cẩn, làm sao sớm khuất,
Ðành lẽ số trời, ai ai cũng xót
Lượng tôi tới đây, kính dâng ly rượu
Anh có linh thiêng xin về chứng giám
Nhớ xưa đi học, chơi với Bá Phù
Nhường cơm sẽ áo, một lòng thương nhau
Nhớ anh còn trẻ, chí cả ngàn trùng
Vẫy vùng một cõi, độc lập Giang Ðông
Quyền cao chức trọng, trấn gi Ba Khâu
Khiếp oai Lưu Biểu, đẹp dạ Ngô Hầu
Diện mạo như ngọc, Tiểu Kiều đẹp đôi
Rể tôi nhà Hán, hỏi được mấy người?
Anh hùng cái thế, chẳng chịu qui Tào
Trời xanh vổ cánh đại bàng bay cao
Phong tư cốt cách, Tưởng Cán ng ngàng
Hết đường thuyết khách, nói cười như không
Thương anh lừng lẩy, văn võ kiêm toàn
Hỏa công một trận, Xích Bích lừng vang
Làm sao sớm khuất, ai hi Chu Lang
Lượng tôi đau xót, huyết lệ hai hàng
Sống đ trung nghĩa, mất được thảnh thơi
Tuổi thọ ba chục, danh lưu muôn đời
Lòng tôi bối rối, vạn mối tơ vò
Tâm nầy lửa đốt, ruột héo gan khô
Giang Ðông tang tóc, ba quân bàng hoàng
Chúa thời tuôn lệ, bạn thời khóc than
Lượng tôi những tính nương tựa vào nhau
Giúp Lưu phò Hán, cùng Ngô phá Tào
Gây thế ỷ dốc, sớm hôm bàn mưu
Lượng tôi kém cỏi, mong trông cậy nhiều
Nào ngờ Công Cẩn, sớm khuất từ đây
Mênh mang chính khí, trời thẳm đất dầy
Anh linh chứng dám, rủ thương lòng này
Từ nay tri kỷ,biết ngỏ cùng ai ?
Thương ôi, có thiêng, xin về thượng hưởng….

Cho lời kết của bài này, tôi lại nói rằng nếu Chu Du và Gia Cát Lượng cùng phục vụ cho một chủ, hai người sẽ là những người bạn tốt của nhau, bởi họ cực kỳ hiểu nhau và đều có lòng vì chủ, vì nước cả. Thực sự, xét về tài năng cầm quân, Du chẳng kém gì Lượng cả, có chăng Du kém Lượng ở một cái đầu phân tích và con mắt tổng quát. Thực sự, Du chưa phải là một đối thủ xứng tầm của Gia Cát, đối thủ xứng tầm của Gia Cát chính là Tư Mã Trọng Đạt kia!

1 nhận xét:

  1. like cho bạn. Hiếm thấy có con gái lại thích Tam Quốc đến thế (giống mình :P)

    Trả lờiXóa